"Tôi không muốn hạ thấp nguồn gốc châu Á của mình", Olmstead nói, "nhưng bởi vì mẹ tôi nói rằng có sự phân biệt với các sinh viên châu Á trong quá trình đăng ký".
Trong nhiều năm nay, nhiều người châu Á đã tin rằng với họ thì việc được chấp nhận vào các trường đại học hàng đầu thì khó hơn nhiều.
Theo AP, các nghiên cứu chỉ ra rằng người Mỹ gốc châu Á - hiện chiếm 6% dân số Mỹ - đáp ứng tốt những tiêu chuẩn nhập học của các trường đại học Mỹ, và họ phải có điểm số cao hơn hàng trăm điểm so với sinh viên các chủng tộc khác để có thể nhập học các trường ở Mỹ. Các nhà phê bình cho rằng, những con số này, cùng với sự thật rằng một số trường đại học hàng đầu không xét nguồn gốc của sinh viên thì có tỷ lệ sinh viên châu Á gấp đôi các trường thuộc nhóm Ivy League, chứng minh sự tồn tại của phân biệt chủng tộc.
Hiện nay, có một số lượng nhất định các sinh viên phản ứng với việc này bằng cách không nhận mình là người châu Á khi nộp đơn vào học các trường ở Mỹ.
Nhưng đối với những sinh viên chỉ có bố hoặc mẹ là người châu Á, tên của họ cũng “tây” hơn, thì lựa chọn này có thể khá dễ dàng. Nhưng có những câu hỏi được đưa ra: Vậy cái gì ở đằng sau những khó khăn trong khâu nhập học? Chính xác thì một người Mỹ gốc Á là gì và việc là một người Mỹ gốc Á có phải là một lựa chọn?
Olmstead là sinh viên năm 1 ở Trường đại học Harvard và là một thành viên của HAPA, Hiệp hội những người gốc Á. Ở trường trung học, cô có điểm trung bình hoàn hảo 4.0 và điểm bài thi SAT đạt 2150/2400.
Các trường đại học hỏi về thông tin cha mẹ khi nhập học, vì vậy Olmstead biết rằng các nhân viên tuyển sinh có thể đoán ra nguồn gốc gia đình bằng cách đó. Cô đã viết từ "đa chủng tộc" vào đơn đăng ký học của mình.
Giờ đây, Olmstead khuyên các sinh viên có bố hoặc mẹ là người châu Á rằng "ghi bất cứ chủng tộc gì mà không phải là châu Á".
"Dù không thực sự phổ biến, nhưng có rất nhiều người châu Á, họ có những điểm SAT, điểm trung bình chung hoàn hảo,… vì vậy rất khó để các trường chấp nhận tất cả những người này", Olmstead nói.
Amalia Halikias là tân sinh viên Đại học Yale, mẹ cô sinh ở Mỹ khi ông bà ngoại cô chuyển từ Trung Quốc đến Mỹ, còn bố cô là một người Hy Lạp di cư đến Mỹ. Cô cũng chỉ đánh dấu vào ô chủng tộc của mình là “da trắng” trong đơn đăng ký.
"Tôi không muốn bị xếp vào nhóm người dân gốc Á", Halikias nói. "Tôi không muốn bị gạch tên bởi vì là một trong số 1,4 tỷ người châu Á đang xin học".
Halikias cho biết mẹ cô "cực kỳ khuyến khích" cô chọn quyết định đó, mặc dù bà đánh giá cao việc giữ nguồn gốc Trung Quốc của gia đình.
Tao Tao Holmes là sinh viên năm hai Đại học Yale. Cô có mẹ là người Trung Quốc, còn bố là người Mỹ. Holmes đã không đánh dấu vào ô “châu Á” khi đăng ký vào trường Yale. (Ảnh: AP)
Nhưng việc bỏ trống ô gốc châu Á lại không dễ với Jodi Balfe, tân sinh viên Harvard sinh ở Hàn Quốc và đến Mỹ năm lên 3 tuổi cùng với người mẹ Hàn Quốc và người bố là dân Mỹ. Cô đã đánh dấu vào ô gốc châu Á trái với lời khuyên của các nhà tư vấn ở trường trung học, các giáo viên và bạn bè.
"Tôi cảm thấy rất không thoải mái với ý tưởng cố giấu đi một nửa nguồn gốc của mình", Balfe nói. "Nguồn gốc là một ảnh hưởng mạnh tới việc tôi phát triển như thế nào. Tôi cảm thấy như đang bán đi một phần tâm hồn mình nếu lờ đi nguồn gốc châu Á".
"Tôi nghĩ việc được chấp nhận vào học không đáng với việc giấu đi nguồn gốc của mình. Nó sẽ như thể là một nửa của tôi được chấp nhận".
Tuy vậy, nhiều sinh viên khác không cảm thấy có sự xung đột với việc có nguồn gốc châu Á và phản ứng với việc mà người ta tin là có sự phân biệt với người gốc châu Á.
"Nếu bạn biết rằng bạn sẽ bị phân biệt vì là người gốc Á, tốt nhất là không đánh dấu vào ô châu Á", Halikias nhấn mạnh.
Theo AP, những trường học hàng đầu mà không yêu cầu về chủng tộc khi sinh viên đăng ký nhập học thì có tỷ lệ cao các sinh viên châu Á. Viện Công nghệ California, một trường tư thục không xét chủng tộc của sinh viên, có khoảng 1/3 sinh viên châu Á (13% cư dân California có nguồn gốc châu Á). Trường đại học California-Berkeley, nơi bị luật lệ của bang cấm phân biệt chủng tộc của sinh viên, có hơn 40% sinh viên châu Á, tỷ lệ này tăng 20% so với thời điểm trước khi luật này được thông qua.
Steven Hsu, giáo sư Vật lý tại Trường đại học Oregon, hiện là người lên tiếng phê bình các chính sách tuyển sinh hiện tại, nói rằng có trường hợp thống kê rõ ràng về việc tồn tại tình trạng phân biệt với sinh viên gốc Á.
Giáo sư Hsu nói rằng nếu các chính sách tuyển sinh hiện tại vẫn tiếp tục, việc che giấu nguồn gốc của chính mình sẽ trở thành điều phổ biến hơn với các sinh viên châu Á và các trường sẽ phải phản ứng với điều này. "Họ sẽ phải quyết định: Một sinh viên gốc châu Á, thì sao? Tôi không nghĩ là họ thực sự biết".
Theo trang web của Đại học Yale, có 26.000 sinh viên đăng ký vào các lớp năm nhất, có khoảng 1.300 sinh viên được chấp nhận. 20% trong số này đánh dấu vào ô Mỹ gốc Á trong đơn đăng ký; 15% tân sinh viên đánh dấu có 2, 3 chủng tốc. 10% tân sinh viên Yale không đánh dấu vào một ô duy nhất.
Xuân Vũ
nguồn dân trí