Mục tiêu:
- Xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ làm cơ sở cho tiếp nhận, thích nghi, làm chủ, cải tiến và phát triển công nghệ cơ khí chế tạo máy.
- Nắm vững, áp dụng vào sản xuất và nâng cao các công nghệ cơ bản tiên tiến trong chế tạo máy để đạt được mức trung bình tiên tiến trong khu vực.
- Chế tạo được những máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, phụ tùng thay thế thích hợp với điều kiện Việt Nam trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến và sản xuất nông lâm hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dệt may, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, quốc phòng, môi trường, đo kiểm, máy công cụ CNC.
Nội dung:
- Nghiên cứu nắm vững, làm chủ và nâng cao các công nghệ cơ bản tiên tiến như: công nghệ tạo phôi, công nghệ gia công cơ khí, công nghệ xử lý bề mặt, công nghệ lắp ráp bằng những công nghệ cao để áp dụng vào chế tạo máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ, phụ tùng thay thế.
- Nghiên cứu áp dụng các thành quả của tin học, vật liệu mới, phỏng sinh học, tự động hoá ...vào lĩnh vực chế tạo máy.
- Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến và sản xuất nông lâm hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, quốc phòng, môi trường, đo kiểm, máy công cụ CNC.
- Nghiên cứu các vấn đề về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo, phục hồi, sửa chữa các máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế và chẩn đoán tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị và hệ thống.
- Nghiên cứu những vấn đề về kinh tế-kỹ thuật trong chế tạo máy theo hướng chuyên môn hoá và hợp tác hoá cao.
Là một trong mười chương trình khoa học công nghệ trọng điểm giai đoạn 2001-2005 và là duy nhất về lĩnh vực cơ khí chế tạo máy. Hình thành trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và ngành cơ khí nói riêng tiếp tục có những bước tiến khởi sắc, trong nhiều năm liền đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao (tới 40, 74 % trong bình trong giai đoạn 1995-2000, giai đoạn 2001-2004 là 20,45% năm), thành quả đáng ghi nhận là ngành đã có khả năng đáp ứng được tới 35% nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, nếu chúng ta biết rằng năm 1990 chỉ đáp ứng được 8-10%. Tuy vậy, chúng ta cũng thừa nhận trình độ công nghệ của ngành còn rất lạc hậu, hàng chục năm so với các nước trong khu vực và các nước có nền cơ khí tiên tiến. Ngành cơ khí tiếp tục chịu sức ép nghiệt nghã của hội nhập kinh tế quốc tế, phần lớn sản phẩm trong nước có khả năng cạnh tranh kém, số lượng sản phẩm xuất khẩu còn nhỏ lẻ không đáng kể, hàng năm giá trị nhập khẩu các thiết bị máy móc lên đến hàng tỷ USD…tất cả những yếu tố trên là những thách thức lớn đối với ngành cơ khí Việt Nam nói chung và Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực cơ khí chế tạo máy nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Trong 5 năm qua Chương trình đã thực hiện với tổng số là 41 nhiệm vụ, trong đó gồm 29 đề tài và 12 dự án SXTN, tổng kinh phí thực hiện các nội dung trên là: 194,331 tỷ đồng trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thực hiện là 74.682 triệu đồng, kinh phí thu hồi là 27.131 triệu đồng. Chương trình đã huy động và tập hợp được một số lượng lớn các nhà khoa học của lĩnh vực đang công tác ở các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trải dài từ Bắc đến Nam tham gia các nội dung nghiên cứu. Sau đây chúng ta sẽ cùng phân tích những kết quả, tồn tại và bài học của Chương trình:
I. Những đóng góp từ các kết quả nghiên cứu của Chương trình:
1. Góp phần nâng cao trình độ các công nghệ “nền” trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy: Kế tiếp những kết quả nghiên cứu trước đây, trong giai đoạn 2001-2005 các nhiệm vụ nghiên cứu tiếp tục đi sâu nghiên cứu nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong công nghệ cơ khí chế tạo máy bao gồm: công nghệ tự động hoá, công nghệ hàn, công nghệ gia công áp lực ( đặc biệt công nghệ hàn, gia công áp lực tạo phôi chi tiết lớn) công nghệ đúc (đặc biệt công nghệ đúc gang cầu, đúc hợp kim...) công nghệ gia công biến dạng dẻo, công nghệ xủ lý bề mặt, công nghệ gia công chính xác, công nghệ chẩn đoán tình trạng kỹ thuật máy móc, thiết bị, công nghệ mạ xoa, công nghệ phun phủ... lần đầu tiên công nghệ tạo mẫu nhanh được triển khai nghiên cứu ở Việt Nam, đây là một trong những công nghệ mới mang tính đột phá được triển khai ứng dụng trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy của thế giới. Điều khác biệt của Chương trình giai đoạn này là việc ứng dụng khai thác các phần mềm chuyên dụng trong quá trình thiết kế, gia công, mô phỏng, điều khiển ... phục vụ các nội dung nghiên cứu của các nhiệm vụ được phổ biến và nâng cao một cách rõ rệt, điều này đã cho phép nâng cao được mức độ tiên tiến của các sản phẩm tạo ra trong quá trình nghiên cứu của Chương trình.
2. Tạo ra các sản phẩm trực tiếp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội: Từ kết quả nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, hầu hết các nhiệm vụ trong giai đoạn này đều gắn với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của nền kinh tế. Sau năm năm Chưong trình dã tạo ra được 1258 sản phẩm mới trong đó có đến 801 sản phẩm là thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ, chi tiết phụ tùng thay thế có tính kinh tế cao thay thế nhập khẩu. Hầu hết sản phẩm tạo ra đều có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực, thậm chí một số sản phẩm đạt chỉ tiêu kỹ thuật cao hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc như hệ thống đây chuyền chế biến thức ăn gia súc, động cơ diesel, hệ thống xi lanh thuỷ lực.... điều có ý nghĩa là hầu hết các sản phẩm chế tạo giá thành chỉ bằng 40-60% so với giá nhập khẩu, nhiều sản phẩm ra đã đem lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt cho doanh nghiệp. Có thể điểm qua một vài kết quả điển hình như: Tổng công ty cơ điện nông nghiệp xây dựng và thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT nhờ thực hiện các dự án thuộc chương trình đã tạo ra hàng loạt sản phẩm mới có sức cạnh tranh tên thị trường đáng kể nhất là các thiết bị ứng dụng hệ thống xi lanh thủy lực, các loại động cơ điện chìm, bơm chìm, bơm cỡ lớn... các sản phẩm này hiện đang phát huy tác dụng tốt cho sản xuất và góp phần tạo ra sự tăng trưởng cao liên tục trong những năm gần đây của tổng Công ty. Chỉ tính riêng thiết bị nâng hạ nhờ hệ thống xi lanh thuỷ lực có sức nâng 450 tấn sử dụng cho việc ngăn dòng của công trình thuỷ điện Sơn La đã đem lại hiệu quả rất lớn cho công trình và xã hội là góp phần chặn dòng sớm 1,5 năm và so với thiết bị cùng tính năng phải nhập khẩu đã tiết kiệm cho nhà nước không dưới 100 tỷ đồng, việc có khả năng chế tạo số lượng lớn các chúng loại bơm nước cỡ lớn thay thế cho các trạm bơm tưới tiêu cũ tại khu vực đồng bằng bắc bộ là hết sức có nghĩa tới phát triển kinh tế xã hội của khu vực này, các chủng loại máy bơm chìm hoàn chỉnh do Tổng công ty chế tạo đã tạo được các cơ sở sản xuất đánh giá rất cao, với xu thế hiện nay nhu cầu sản xuất chủng loại bơm này là rất lớn. Viện máy và dụng cụ công nghiệp, Bộ Công nghiệp trong năm năm qua đã tạo ra hàng loạt các chủng loại máy công cụ CNC có tính năng kỹ thuật tiên tiến và bước đầu đã cung cấp cho các cơ sở trong nước và tham gia xuất khẩu như máy cắt Plasma, máy phay CNC... Viện nghiên cứu cơ khí, Bộ công nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu đã làm chủ công nghệ mới như công nghệ hàn tự động, công nghệ gia công áp lực, công nghệ mạ xoa, phun phủ, công nghệ chẩn đoán tình trạng máy và thiết bị... lần đầu tiên các sản phẩm như hộp giảm tốc cỡ lớn GT3B-2080, GT2-1320 và bánh răng cỡ lớn đường kính đến 2020 mm và bộ truyền bánh răng lớn gồm trục, trục răng, bánh răng…, hệ thống thiết bị mạ xoa, đồ gá và thiết bị hàn tự động, phun phủ được chế tạo tại Việt Nam cung cấp ngay cho thị trường, có thể khẳng định thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu năng lực của các cán bộ KH&CN đã được nâng cao một cách rõ rệt, doanh thu hàng năm từ hoạt động KHCN đã tăng nhanh từ 70 tỷ năm 2004 lên trên 100 tỷ đồng năm 2005 năm 2006 dự kiến trên 150 tỷ đồng, gần đây Viện đã được Bộ Công nghiệp giao chỉ định thực hiện tư vấn các gói thầu lớn của các Dự án nhà máy giấy, thuỷ điện, xi măng, nhiệt điện... Công ty Đá mài Hải Dương thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài mã số KC.05.12, lần đầu tiên sau 40 năm hoạt động đã chế tạo thành công loại đá mài cao tốc cung cấp cho thị trường trong nước, do có sản phẩm mới Công ty liên tục đạt mức tăng trưởng cao, năm 2004 doanh thu tăng đến 30% năm. Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp tiếp tục hoàn thiện công nghệ chế tạo các dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, dây chuyền thiết bị chế biến tinh bột sắn phục vụ nông nghiệp nông thôn. Sản phẩm do Viện chế tạo có chất lượng tương đương với Trung Quốc, Thái Lan, đáng lưu ý trong 16 dây chuyền chế tạo và cung cấp cho thị trường thì có đến 14 dây chuyền cung cấp cho các cơ sở của tư nhân, điều đó cho thấy khả năng cạnh tranh khá tốt của sản phẩm trên thị trường, do khả năng cung cấp các dây chuyền chế biến của các cơ sở chế tạo trong nước nên đã buộc các đối tác nước ngoài phải giảm giá bán đã làm lợi đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước. Tháng 4/2006 Viện đã thắng thầu cung cấp chọn gói dây chuyền chế biến tinh bột sắn công suất 50tấn/h cho tỉnh Thái Nguyên, đối tác cạnh tranh là một nhà thầu Trung Quốc đã có những điều kiện hấp dẫn cho nhà sản xuất Việt Nam như được chịu đến 40% vốn mua dây chuyền. Viện Công nghệ, Bộ Công nghiệp đã chế tạo thành công máy nghiền bột siêu mịn công suất 10-15 tấn /h là loại máy nghiền đứng với công nghệ tiên tiến, cho phép tiết kiệm đến 25% chi phí về điện tiêu hao, mang lại hiệu quả lớn cho sản xuất… Có thể khẳng định nhiều chủng loại sản phẩm được tạo ra từ các nhiệm vụ nghiên cứu thuộc Chương trình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của phát triển kinh tế xã hội của các ngành, lĩnh vực đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và xã hội.
3. Góp phần đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ KH&CN cơ khí chế tạo máy thuộc các viện, trường, doanh nghiệp: Cho đến thời điểm hiện nay chương trình đã góp phần đào tạo được 27 tiến sỹ và 64 thạc sỹ, hàng trăm kỹ sư, công nhân kỹ thuật qua các nội dung nghiên cứu đã được nâng cao trình độ, tiếp cận với các công nghê tiên tiến góp phần đắc lực cho việc ứng dụng các công nghệ mới tại các cơ sở sản xuất, trong thời điểm lực lượng các cán bộ KH&CN của lĩnh vực đang bị thiếu hụt nghiêm trọng thì việc có được đội ngũ cán bộ KH&CN trình độ cao là điều đáng trân trọng. Điển hình trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN là Công ty TNHH cơ khí Hà Nội, thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu về tự động hoá đến nay công ty đã thành lập được Trung tâm nghiên cứu ứng dụng về tự động hoá và mở lớp đào tạo về chuyên ngành tự động hoá tại Trường trung học trực thuộc công ty. Tổng công ty cơ điện xây dựng, nông nghiệp và thuỷ lợi thông qua các dự án đã đào tạo một lực lượng kỹ sư và công nhân lành nghề cung cấp cho các đơn vị, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo được nhiều tiến sỹ, thạc sỹ trong các chuyên ngành công nghệ mới, một số đã tiếp tục được đưa đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài, đây sẽ là lực lượng cán bộ nòng cốt cho những năm tiếp theo.
4. Tạo sự gắn kết giữa viện, trường, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia các nội dung nghiên cứu khoa học: chương trình đã có sự tham gia của 2 trường đại học, 8 học viện và viện nghiên cứu, 3 trung tâm và 5 tổng công ty trong nước và một số cơ sở nghiên cứu của nước ngoài đã nói lên sự đa dạng trong sự kết hợp trong các nội dung nghiên cứu. Sự kết hợp này đã phát huy được năng lực nội sinh của đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước, sự kết hợp giữa Viện nghiên cứu cơ khí và công ty cơ khí Duyên Hải đã tạo ra các sản phẩm hộp giảm tốc có kích thước lớn cung cấp cho thị trường xi măng, hoá chất.., sự kết hợp giữa các nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Công ty đá mài Hải Dương đã tạo ra sản phẩm đá mài cao tốc, sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học Bách khoa Hà Nội với các chuyên gia về máy công cụ của Đài Loan, Công ty cơ khí Hà Nội đã tạo ra sản phẩm máy phay 5 trục hiện đại, lần đầu tiên được lắp ráp, chế tạo tại Việt Nam, sự kết hợp giữa Viện máy và dụng cụ công nghiệp với tập đoàn chế tạo máy của CHLBĐức đã tạo ra sản phẩm máy cắt plasma, máy tiện băng nghiêng CNC có các chỉ tiêu kỹ thuật tiên tiến, có khả năng cạnh tranh và tham gia xuất khẩu (năm 2005 Viện đã xuất 02 máy cắt Plasma sang thị trường Châu Phi)...rõ ràng, trong khi việc gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp đang là vấn đề chưa có được lời giải hữu hiệu, thông qua nhiệm vụ của chương trình đã tạo ra sự gắn kết nhất định trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
5. Góp phần tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các viện, trường, doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo máy: Toàn chương trình số kinh phí chi cho mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, đo lường là 6.448 triệu đồng chiếm 8,5% tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học, đó là chưa kể một số lượng lớn các máy móc, thiết bị, trang bị đo kiểm, được tạo ra trong quá trình nghiên cứu, đã góp phần tăng cường năng lực cho các cơ sở nghiên cứu, sản xuất nhiều thiết bị đã được đưa ngày vào khai thác mang lại hiệu quả đáng kể. Tổng công ty cơ điện xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi thông qua Dự án SXTN đã tạo dựng được một xưởng sản xuất và lắp ráp các hệ thống xi lanh thuỷ lực với các trang thiết bị hiện đại đáp ứng được các nhu cầu trong nuớc. Công ty cơ khí Duyên Hải cũng có được hệ thống trang bị sản xuất hộp giảm tốc cỡ lớn, Viện nghiên cứu cơ khí đã trang bị được hệ thống trang thiết bị chẩn đoán giám sát hiện đại được sử dụng khai thác ngay cho các cơ sở sản xuất trong cả nước trong hai năm doanh số đã đạt gần 10 tỷ đồng, thông qua đề tài nghiên cứu về mạ xoa bước dầu Viện cũng đã chuyển giao được cho 03 cơ sở trong cả nước thực hiện công nghệ này đem lại hiệu quả rõ rệt. Công ty đá mài Hải Dương do làm chủ được công nghệ sản xuất đã tự nghiên cứu đầu tư cả dây chuyền hiện đại công suất 2.000 tấn đá mài/ năm tăng thế và lực cho công ty, các sản phẩm máy công cụ CNC của Công ty TNHH một thành viên cơ khí Hà Nội đã được khai thác sử dụng hàng ngày đem lại hiệu quả cho công ty... có thể khẳng định trong lúc đầu tư cho ngành cơ khí còn rất nhiều khó khăn thì phần đầu tư thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu là rất thiết thực và có hiệu quả rõ rệt.
6. Góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Là chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ duy nhất phục vụ ngành cơ khí chế tạo máy, năm năm qua có thể khẳng định kết quả của chương trình đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, các nhiệm vụ của chương trình hầu hết đều xuất phát từ định huớng 8 chuyên ngành mà chiến lược phát triển ngành đã lựa chọn cụ thể như sau: đối với lĩnh vực thiết bị toàn bộ bao gồm 7 nhiệm vụ, máy động lực và máy nông nghiệp bao gồm 04 nhiệm vụ, máy công cụ CNC bao gồm 08 nhiệm vụ, máy xây dựng gồm: 02 nhiệm vụ, cơ khí đóng tàu gồm 01 nhiệm vụ, cơ khí phục vụ nông lâm ngư nghiệp gồm: 7 nhiệm vụ, cơ khí ôtô giao thông vận tảI gồm: 5 nhiệm vụ, các nhiệm vụ phục vụ quốc phòng an ninh gồm: 04 nhiệm vụ. Việc nắm vững công nghê mớI từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã giúp cho các doanh nghiệp có được niềm tin để quyết tâm đầu tư sản xuất. Từ các kết quả nghiên cứu về động cơ diesel Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp đã quyết định đầu tư dự án gần 600 tỷ đồng tại công ty Diesel Sông Công Thái Nguyên ( dự án trong danh mục sản phẩm trọng điểm đã được phê duyệt), Công ty TNHH một thành viên cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất các hộp giảm tốc tại vị trí mới của Công ty với số vốn gần 300 tỷ đồng, Công ty Đá mài Hải Dương đã đầu tư dự án có công suất đến 2000 tấn đá mài/năm, Tổng công ty cơ điện nông nghiệp xây dựng và thuỷ lợi đã quyết định đầu tư hệ thống thiết bị sản xuất, lắp ráp xi lanh thuỷ lực hiện đại, đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu trong nước, Công ty TNHH một thành viên cơ khí Hà Nội nhờ nắm vững công nghệ đã tạo được lòng tin đối với các hãng KOVOSVIT của Tiệp Khắc để triển khai dự án liên kết chế tạo sản phẩm máy CNC cỡ trung cung cấp cho thị trường và tham gia xuất khẩu trong tương lai. Điều đặc biệt có ý nghĩa là hầu hết các doanh nghiệp từ sau khi tạo ra được sản phẩm mới đều có mức tăng trưởng cao và ổn định ở mức 17-30% năm, những đóng góp này đã góp phần giúp cho ngành cơ khí có tỷ lệ tăng trưởng cao trong những nặm gần đây. Có thể khẳng định những tiến bộ vượt bậc của ngành cơ khí chế tạo trong thời gian qua trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo máy.
Phần II KC.05
II. Một số tồn tại trong quá trình thực hiện chương trình:
Sau năm năm để có được kết quả như trên đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ các nhà khoa học, cơ quan chủ trì, Ban chủ nhiệm chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành chủ quản. Tuy vậy, chúng ta cũng còn thấy không ít những tồn tại trong quá trình thực hiện cụ thể như sau:
1. Các nhiệm vụ vẫn chưa tạo ra sự đột phá, ảnh hưởng cần thiết đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực. Mặc dù số sản phẩm tạo ra và được ứng dụng vào thực tế là khá lớn tới 801 sản phẩm, xong đó vẫn chỉ là những kết quả mang tính đơn lẻ, thiếu sự gắn kết tập trung tạo ra sự ảnh hưởng cần thiết đến phát triển của ngành và lĩnh vực. Một số nhiệm vụ do các viện, trường chủ trì vẫn rất khó khăn trong việc chuyển giao cho sản xuất, vẫn còn có những nhiệm vụ mà sản phẩm tạo ra vẫn chỉ dừng lại ở việc chứng minh cho khả năng của các nhà khoa học, khó có khả năng nhân rộng, chuyển giao được cho các công ty sản xuất. Để tiến tới việc có thể chấm dứt tình trạng này cần phải có sự thay đổi trong cách đề xuất, tuyển chọn và quản lý Chương trình hiện nay, trong đó địa chỉ ứng dụng phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
2. Việc tổ chức thực hiện các đề tài, dự án còn nhiều vướng mắc, cụ thể : Tình trạng các đề tài, dự án kéo dài thời gian thực hiện còn phổ biến. Phần lớn chủ nhiệm đề tài, dự án vẫn thụ động, nặng theo tư duy cũ, một số không cập nhật được thực tế vì vậy đã gặp không ít những khó khăn trong khi triển khai nội dung nghiên cứu, đa số chủ nhiệm đề tài, dự án bị phân tán không thực hiện đúng lượng thời gian giành cho các nhiệm vụ theo như đăng ký, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện của hầu hết các đề tài, dự án trong giai đoạn qua. Cho đến nay trong tổng số 41 nhiệm vụ không kể 02 nhiệm vụ mới được phép thực hiện hết năm 2006, số còn lại chưa nghiệm thu cấp nhà nước là: 05 nhiệm vụ chiếm 15 % (trong đó có 02 nhiệm vụ đã nghiệm thu cấp cơ sở đang thực hiện các thủ tục nghiệm thu cấp nhà nước). Theo thống kê trong chương trình có đến 11 /41 nhiệm vụ xin điều chỉnh nội dung, điều này cho thấy sự chuẩn bị thiếu chu đáo của các cá nhân và đơn vị chủ trì. Với cơ chế tuyển chọn như hiện nay do không kiểm tra được thực tế nên khó tránh khỏi việc một số hồ sơ viết thì tốt nhưng thực tế lại dở ( đơn vị trúng tuyển chưa hẳn đã là đơn vị mạnh nhất cho việc thực hiện), thậm chí có hồ sơ để đạt được mục tiêu vượt qua tuyển chọn đã có những khai báo không thực tế dẫn đến tình trạng đưa các cơ quan quản lý vào cách xử lý như việc đã rồi, làm giảm đi ý nghĩa khoa học của các đề tài dự án đã đặt ra ban đầu. Một số chủ nhiệm đề tài, dự án do nhận thức không đầy đủ về quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình do vậy còn có những bê trễ, không đúng theo cam kết ( ngay cả báo cáo định kỳ theo mẫu thực hiện cùng không đến nơi đến chốn, hình thức và thiếu tự giác). Nhiều năm qua, tình trạng cát cư trong nghiên cưu tương đối phổ biến, thông thường sau khi tuyển chọn xong, các chủ nhiệm đề tài ít lưu ý đến việc phối hợp khai thác từ các chuyên gia cùng ngành, thậm chí với chuyên gia ở các bộ phận khác nhau trong cùng cơ quan chủ trì, điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Các chủ nhiệm đề tài thường ít quan tâm đến vấn đề quản lý tài chính, vì vậy giải ngân thường là chậm và không ít những đề tài dự án đã phải xuất toán do thực hiện chậm trễ và không đúng thủ tục.
3. Việc quản lý điều hành của một số cơ quan chủ trì còn lúng túng, thiếu sâu sát và quyết liệt: Trong những thời điểm khó khăn các chủ nhiệm đề tài, dự án đã không có được sự trợ giúp cần thiết của đơn vị chủ trì, điều này dẫn đến sự lãng phí về thời gian, kinh phí thực hiện gây ảnh hưởng không tốt đến nội dung thực hiện của các đề tài dự án. Một số Lãnh đạo của các cơ quan chủ trì quan niệm cho răng chủ nhiệm đề tài, dự án là người toàn quyền quyết định do đó còn buông lỏng quản lý trong quá trình thực hiện, phó mặc thành công hay thất bại cho chủ nhiệm đề tài, dự án, đây là một điều rất đáng tiếc.
4. Đối với Ban chủ nhiệm Chương trình: Giai đoạn 2001-2005 mặc dù đã có sự chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cá nhân chủ nhiệm, đơn vị chủ trì và các Bộ, ngành là khá tốt tuy nhiên một thực tế phải thừa nhận là với cách thức kiêm nhiệm như hiện nay thì thời gian giành cho hoạt động của chương trình của các thành viên Ban chủ nhiệm cho chương trình còn quá ít, chưa thoả đáng, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ và nội dung thực hiện của chương trình, đây là vấn đề cần được lưu ý quan tâm cho giai đoạn tới. Đội ngũ cán bộ của văn phòng chương trình theo hình thức hợp đồng giúp việc do đó thiếu tính chuyên nghiệp và thực tế không thể đòi hỏi quá nhiều trách nhiệm của số cán bộ giúp việc này. Việc kiểm tra định kỳ vẫn nặng tính hình thức, chưa có những giám sát chặt chẽ, tỷ mỉ như kiểm tra nơi chế tạo, nơi ứng dụng... Sự thiếu đồng nhất của việc quản lý giữa các chương trình KH&CN trọng điểm ở ngay trong cùng cơ quan chủ trì cũng tạo ra những tâm lý không tốt cho người thực hiện.
5. Các quy định quản lý còn nhiều bất cập không được bổ sung và điều chỉnh kịp thời cũng là những khó khăn cho việc thực hiện các đề tài, dự án: Việc quản lý các chương trình KH&CN giai đoạn 2001-2005 căn cứ theo Quyết đinh số 41/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 18/7/2001 đây là quy định tạm thời về việc quản lý chương trình khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sau năm năm cũng chưa cho ra được văn bản chính thức, chính sự chậm trễ và không đầy đủ của các quy định quản lý đã dẫn đến sự ỷ lại và làm chậm trễ một số nhữung hoạt động của chương trình như quy định xử lý tài sản sau nghiệm thu, quy định về việc thanh lý hợp đồng... cho đến nay vẫn chưa được ban hành gây khó khăn cho quá trình thanh lý Hợp đồng của các đề tài dự án. Quyết định số 13/2004/QĐ-BKHCN ngày 25/5/2004 quy định đánh giá nghiệm thu đề tài KHCN cấp nhà nước có những bất cập xong không có những điều chỉnh kịp thời, gây ra những khó khăn cho cách xác định đánh giá kết quả thực hiện. Vấn đề tài chính, quy định thời gian thực hiện và ký hợp đồng là luôn luôn bị chậm, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân để các chủ nhiệm đề tài dự án và cơ quan chủ trì có lý do biện hộ cho việc kéo dài thời gian thực hiện.
III. Những bài học kinh nghiệm và kiến nghị:
Từ thực tế thực hiện chương trình những năm qua từ những kết quả có và tồn tại của chưong trình cho chúng ta những bài học như sau:
1. Thứ nhất, xác định và tuyển chọn các nhiệm vụ của chương trình: việc xác định, tuyển chọn đúng, trúng tầm nhiệm vụ KHCN đáp ứng các yêu cầu bức xúc phục vụ phát triển của ngành cơ khí được coi là then chốt nhất, có ý nghĩa quyết định đến việc thành công hay thất bại của chương trình. Các nhiệm vụ phải giải quyết được các vấn đề thực tế của ngành cơ khí chế tạo máy cho hiện tại và cho tương lai khoảng 5 đến 10 năm sau. Để làm được việc này cần phải thay đổi quy trình xác định nhiệm vụ hiện nay, thay vì các nhiệm vụ được đề xuất một cách manh múm, căn cứ vào chiến lược phát triển ngành đã được phê duyệt để hình thành các nhiệm vụ gắn kết cho 8 chuyên ngành cơ khí chế tạo được ưu tiên, mỗi chuyên ngành chỉ hình thành một nhiệm vụ lớn cho cả giai đoạn, nhiệm vụ này bao gồm một số các đề tài và dự án SXTN có mục tiêu xác định cho từng năm, 5 năm và lâu hơn nữa. Có như vậy các nhiệm vụ mới có cơ hội gắn kết và phát huy hiệu quả đối với thực tế sản xuất.
2. Thứ hai, tìm được đúng các cá nhân và đơn vị chủ trì các nhiệm vụ KH&CN: các chủ nhiệm đề tài phải là ngưòi có chuyên môn giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao và lòng nhiệt tình, có kinh nghiệm và đủ thời gian và khả năng liên kết phối hợp với các nhà khoa học cùng chuyên ngành trong các viện trường, doanh nghiệp trong việc thực hiện. Đối với cơ quan chủ trì phải là các đơn vị có đủ tiềm lực, kinh nghiệm và trách nhiệm cao đối với nhà nước khi nhận nhiệm vụ. Để lựa chọn được chủ nhiệm và cơ quan chủ trì có đủ tiềm lực để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN ngoài việc xem xét hồ sơ thì việc tiến hành kiểm tra đánh giá thực tế là việc cần thiết phải được tiến hành một cách đồng thời trong quá trình tuyển chọn có như vậy mới tránh được tình trạng Đã đến lúc cần phải xem lại theo quy định chỉ căn hồ sơ đăng ký là việc cần phải xem xét lại, để đảm bảo việc lựa chọn được đúng các nhân và đơn vị chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
3. Thứ ba, Các thành viên của Ban chủ nhiệm chương trình phải là những nhà quản lý, nhà khoa học hàng đầu, am hiểu chuyên môn của ngành, có kinh nghiệm, nhiệt tình, đủ uy tín và khả năng đoàn kết và quy tụ đông đảo các nhà khoa học cả nước tham gia thực hiện chương trình. Hiện nay, với đặc thù riêng do đó các doanh nghiệp thuộc ngành cơ khí nằm rải rác và có mặt ở hầu hết các bộ ngành như Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng...do đó Ban Chủ nhiệm chương trình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối sự phối hợp giữa các lực lượng cán bộ KHCN ở các Bộ ngành khác nhau tham gia nghiên cứu phục vụ nhu cầu phát triển chung của ngành. Sự phân công trách nhiệm rõ ràng ngay từ đầu, thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, sâu sát là yếu tố không thể thiếu góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ của chương trình giai đoạn qua.
4. Thư tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhất quán giữa Ban chủ nhiệm chương trình và các cơ quan chức năng quản lý mà đặc biệt là Bộ KH&CN, Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện. Sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất, thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước và Ban chủ nhiệm chương trình đối với các nội dung triển khai từ đó đã kịp thời phát hiện những vướng mắc và đưa ra những ý kiến chỉ đạo, tư vấn thích hợp giúp cho các chủ nhiệm đề tài dự án, cơ quan chủ trì. Việc đưa các sản phẩm nghiên cứu vào khảo nghiệm và ứng dụng trong thực tế sản xuất nếu không có sự trợ giúp phối hợp cần thiết của các Bộ, ngành chủ quản sẽ hết sức khó khăn trong cơ chế quản lý hiện nay.
5. Thứ năm, quy chế và chế tài xử lý phải đủ và rõ ràng, minh bạch điều này sẽ giúp cho các cơ quan quản lý gồm các Bộ, ngành có liên quan, Ban chủ nhiệm chương trình và đối tượng quản lý bao gồm các chủ nhiệm đề tài, dự án SXTN và các cơ quan chủ trì nhận thức rõ quyền hạn, trách nhiệm ngay từ đầu khi tham gia chương trình. Một phần những lúng túng trong quản lý chương trình trong thời gian vừa qua có nguyên nhân do quy chế quản lý còn thiếu và nhiều điểm chưa thật sự chưa phù hợp với thực tế thực hiện, một số các vi phạm như: kéo dài thời gian thực hiện, không đảm bảo thời gian tham gia nghiên cứu, nộp thu hồi kinh phí chậm, chây ì ... chưa có chế tài xử lý, dẫn đến tình trạng tốt, sấu còn lẫn lộn chưa động viên được các nhà khoa học đem hết nhiệt tình, khả năng cống hiến cho sự phát triển khoa học và công nghệ.
Sau 5 năm thực hiện, Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tạo máy đã góp phần quan trọng trong việc tiếp nhận, nắm vững và làm chủ các công nghệ mới của ngành, bước đầu đã triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ của ngành. Những kết quả nghiên cứu của chương trình đã góp phần hiện đại hoá và tạo cơ sở phát triển ngành cơ khí cho những giai đoạn tiếp theo, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 đáp ứng như cầu ngày một tăng của nền kinh tế. Những kết quả giai đoạn 2001-2005 sẽ là tiền đề cho việc thực hiện các nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo 2006-2010, với những kết quả đã đạt được, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến sự vươn lên chiếm lĩnh thị trường một cách mạnh mẽ của ngành cơ khí chế tạo máy Việt Nam.
[You must be registered and logged in to see this link.]